image banner
Cảnh giác với các thủ đoạn lừa đảo về BHXH, BHYT

Thời gian gần đây, BHXH các địa phương ghi nhận nhiều trường hợp người dân bị các đối tượng lừa đảo tiếp cận với các nội dung liên quan đến chính sách BHXH, BHYT. Thủ đoạn của các đối tượng này ngày càng tinh vi, am hiểu chính sách, người dân cần đặc biệt nêu cao cảnh giác, liên hệ với các kênh chính thống của BHXH Việt Nam.

 

Mạo danh, yêu cầu cập nhật thông tin ứng dụng VssID

Mới đây, BHXH tỉnh Đồng Nai tiếp tục nhận được phản ánh từ người dân về việc bị nhiều đối tượng mạo danh cán bộ cơ quan BHXH yêu cầu người dân đồng bộ dữ liệu CCCD, cập nhật thông tin trên ứng dụng VssID - BHXH số.

Cụ thể, ngày 09/5/2024, anh T.H.T (cư trú tại phường Bửu Long, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) nhận được cuộc điện thoại từ đầu số 0924635… tự xưng là cán bộ cơ quan BHXH Đồng Nai thông báo hồ sơ BHXH của anh cần phải đồng bộ dữ liệu CCCD và yêu cầu anh lên cơ quan BHXH tỉnh để cập nhật lại thông tin.

15 phút sau, người này gọi lại anh T hỏi có sử dụng phần mềm VssID không, anh T trả lời có, người này trả lời nếu vậy thì không cần lên cơ quan BHXH và yêu cầu anh gọi số điện thoại khác để hướng dẫn cập nhật online. 10 phút sau, người này tiếp tục gọi lại và nói đang bận xử lý công việc nên sẽ chuyển hồ sơ của anh T cho một người khác, có số điện thoại 0949025… để người này hỗ trợ cập nhật thông tin.

Nghi ngờ đối tượng lừa đảo, nên anh T gọi điện thoại tới cơ quan BHXH tỉnh Đồng Nai để xác minh lại thông tin. Qua kiểm tra, BHXH tỉnh không có cán bộ nào có số điện thoại 0924635… và 0949025… gọi điện để yêu cầu đồng bộ dữ liệu, cập nhật CCCD. Hiện tại, BHXH tỉnh không điện thoại hay nhắn tin yêu cầu người dân, người lao động đồng bộ dữ liệu CCCD, cập nhật thông tin trên ứng dụng VssID - BHXH số.

Tương tự, gần đây, BHXH tỉnh Bình Dương có nhận được nhiều phản ánh của người dân, người lao động về việc một số đối tượng gọi điện thoại yêu cầu cập nhật Căn cước công dân (CCCD), địa chỉ Email,...vào “ứng dụng VSSID - Bảo hiểm xã hội số” bằng đường link do sai thông tin, đồng thời yêu cầu người dân kết bạn Zalo trên điện thoại để hướng dẫn điều chỉnh.

Cụ thể, đối tượng gọi điện thoại và tự giới thiệu là đang công tác tại BHXH huyện trực thuộc BHXH tỉnh Bình Dương và yêu cầu người dân cập nhật CCCD vào ứng dụng bằng cách vào đường link lạ có đuôi “.govvvn.com” trên thiết bị điện thoại di động và làm theo hướng dẫn. Tại đây, màn hình hiển thị giao diện giống với ứng dụng “VssID - Bảo hiểm xã hội số” của ngành BHXH Việt Nam.

Sau đó, đối tượng yêu cầu kết bạn Zalo, nhập số điện thoại và mật khẩu bất kỳ, sau khi bấm vào xác nhận, toàn bộ số tiền trong tài khoản của người dân bị mất.

BHXH tỉnh Bình Dương đã thông báo đến BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các Sở, ban, ngành; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Các Tổ chức dịch vụ thu; Các Đơn vị tham gia BHXH trên địa bàn phổ biến đến các đơn vị, người lao động, người dân, đề cao tinh thần cảnh giác: Không kết bạn Zalo, không bấm vào các đường link lạ hay cung cấp mã OTP, mật khẩu cá nhân, nhận diện khuôn mặt,.. cho người lạ để tránh bị kẻ gian lợi dụng, lừa đảo.

Hiện tại, BHXH tỉnh không có chủ trương điện thoại hay nhắn tin yêu cầu người lao động cập nhật thông tin trên “ứng dụng VssID - Bảo hiểm xã hội số”.

Thông báo tặng quà, hỗ trợ giải quyết hộ chế độ

BHXH TP.Hà Nội vừa phát đi thông tin cảnh báo tình trạng lừa đảo nhận quà của cơ quan BHXH qua điện thoại, khuyến cáo người lao động đề cao cảnh giác trước các hình thức lừa đảo qua điện thoại, tin nhắn, mạng xã hội.

BHXH TP.Hà Nội cho biết gần đây, một cụ bà tên T (78 tuổi) trú tại quận Cầu Giấy (Hà Nội) nhận được cuộc điện thoại của đối tượng tự xưng là cán bộ Kho bạc Nhà nước quận Cầu Giấy.

Người này thông báo bà T là một trong số ít những người may mắn nhận được phần quà là 20 triệu đồng tiền mặt, do đã tham gia BHYT lâu năm. Điều kiện để nhận quà là bà T phải trả một khoản phí trị giá 1,1 triệu đồng, sau đó bà sẽ được tặng thêm 2 hộp sữa trị giá 900.000 đồng. Số tiền 1,1 triệu đồng được thanh toán cho người giao hàng khi bà nhận được 2 hộp sữa.

Khi bà T thắc mắc về số tiền thưởng nhận bằng hình thức nào, thì đối tượng thông báo sẽ có giám đốc và kế toán của cơ quan đến tận nhà chi trả. Sau đó, Bà T đã đến trụ sở Kho bạc Nhà nước quận Cầu Giấy hẹn gặp trực tiếp đối tượng, nhưng đối tượng không gặp với lý do “đang xin nghỉ phép”. Trước những thông tin đáng nghi, bà T đến cơ quan BHXH quận Cầu Giấy để xác minh và được cán bộ nơi đây xác định thông tin bà này nhận được là không chính xác.

Một thủ đoạn lừa đảo khác các đối tượng thực hiện là mạo danh cán bộ BHXH Việt Nam để hướng dẫn các thủ tục liên quan đến chế độ BHXH. Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ, chăm sóc khách hàng (BHXH Việt Nam) đã tiếp nhận phản ánh của anh N.T.T - trú tại phường Hiệp Thành (quận 12, TP.Hồ Chí Minh) về việc truy cập mạng xã hội và bị đối tượng mạo danh là nhân viên BHXH lừa đảo chuyển tiền để được giảm trùng BHXH, cắt giảm quá trình đóng trùng và hủy bỏ sổ BHXH.

Theo phản ánh của anh T, anh đã cho em trai mượn hồ sơ nhân thân của mình để đóng BHXH. Sau đó, anh T. truy cập mạng xã hội Facebook và nhắn tin thông qua Messenger tài khoản có tên Phạm Ngọc Anh (hiện đối tượng này đã khóa tài khoản) - đối tượng này mạo danh là nhân viên BHXH hỗ trợ tạo nộp và giải quyết các loại hồ sơ bảo hiểm.

Qua trao đổi, tài khoản Facebook Phạm Ngọc Anh nhận giải quyết được cho anh T. và yêu cầu phí là 900.000 đồng. Cả tin, anh T. đã cung cấp thông tin cá nhân, ảnh chụp CCCD và sổ BHXH. Đối tượng lừa đảo đã gửi cho anh T. hình ảnh tiếp nhận hồ sơ, có đóng dấu đỏ, chữ ký xác nhận của người có tên "Nguyễn Vinh Quang - Phó Giám đốc BHXH Việt Nam (đây là tên mạo danh, BHXH Việt Nam không có chức danh này).

Sau khi kiểm tra hồ sơ, anh T. đã chuyển 900.000 đồng vào tài khoản được đối tượng lừa đảo cung cấp. Đối tượng tiếp tục nhắn tin (qua ứng dụng Messenger) và gửi cho anh T. hình ảnh "Thông báo thanh tra hồ sơ hưởng bảo hiểm xã hội", phí thanh tra hồ sơ 2.000.000 đồng. Sau đó, anh T. đã chuyển thêm 2.000.000 đồng vào tài khoản do đối tượng lừa đảo cung cấp.

Sau khi nộp các khoản phí, anh T. nhắn tin hỏi kết quả, thì đối tượng đã khóa tài khoản, lúc này anh T. mới tìm đến Fanpage BHXH Việt Nam nhắn tin trao đổi thì biết mình bị lừa.

Sau khi tiếp nhận phản ánh của anh T, Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ, chăm sóc khách hàng (BHXH Việt Nam) đã hướng dẫn anh T liên hệ đến cơ quan BHXH tại địa phương để được hỗ trợ; đồng thời giải thích cho anh T. biết hiện nay tất cả các dịch vụ mà BHXH Việt Nam đang triển khai, người dân đều không phải trả phí.

Người dân cần liên hệ các kênh thông tin chính thống của BHXH Việt Nam để phòng tránh lừa đảo

Người dân cần liên hệ các kênh thông tin chính thống

Đây không phải lần đầu xuất hiện các đối tượng lừa đảo, trước đó, BHXH Việt Nam đã phát đi nhiều thông tin cảnh báo về tình trạng mạo danh cơ quan, viên chức và người lao động cơ quan BHXH để lừa đảo người dân. Đồng thời, đã gửi các văn bản đề nghị các cơ quan chức năng liên quan kịp thời ngăn chặn, xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm và thông tin rộng rãi tới người dân, người lao động.

BHXH Việt Nam khuyến cáo người dân khi thực hiện các thủ tục hành chính về BHXH, BHYT cần nâng cao cảnh giác hơn nữa để phòng tránh bị đối tượng xấu lợi dụng, lừa đảo. Bên cạnh đó, người dân cũng cần tăng cường trau dồi kiến thức về pháp luật, chính sách BHXH, BHTN, BHYT; thường xuyên theo dõi các thông báo của cơ quan chức năng về phương thức thủ đoạn phạm tội, lừa đảo trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Trường hợp khi thực hiện các thủ tục hành chính của ngành BHXH Việt Nam, nếu có vướng mắc thì liên hệ trực tiếp với cơ quan BHXH nơi gần nhất hoặc liên hệ Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ, chăm sóc khách hàng qua số hotline: 1900.9068 để được hỗ trợ. Hiện nay, BHXH Việt Nam chỉ có 1 trang Fanpage đã được cấp tích xanh của Facebook tại địa chỉ: https://www.facebook.com/baohiemxahoi.gov.vn, người dùng cần lưu ý để tránh các trang giả mạo.

Về phía BHXH các địa phương, đến ngày 15/5/2024, 54 BHXH tỉnh, thành phố có trang Fanpage được cấp tích xanh. Người dân, người lao động cần thông tin, hỗ trợ, hỏi đáp về chính sách BHXH, BHYT, Bảo hiểm thất nghiệp, có thể tìm kiếm trang fanpage của BHXH tỉnh, thành phố nơi đang sinh sống, làm việc. Chọn trang fanpage đã được cấp tích xanh để nhắn tin đặt câu hỏi, yêu cầu; không vào các Trang chưa được cấp tích xanh để phòng tránh bị kẻ xấu lợi dụng, lừa đảo./.

TIN MỚI NHẤT
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0