image banner
Liên hoan nghệ thuật Đờn ca tài tử mở rộng diễn ra từ ngày 9 - 10/5 tại quảng trường Nhà hát thành phố

Hưởng ứng Lễ hội Hoa Phượng Đỏ - Hải Phòng 2024, Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức Chương trình Liên hoan nghệ thuật Đờn ca tài tử mở rộng “Hải Phòng - Miền di sản 2024”.

Hưởng ứng Lễ hội Hoa Phượng Đỏ - Hải Phòng 2024, Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức Chương trình Liên hoan nghệ thuật Đờn ca tài tử mở rộng “Hải Phòng - Miền di sản 2024”.

Tập thể nghệ sĩ Đoàn Cải lương Hải Phòng và Nhà hát Cải lương Việt Nam hợp luyện trước khi tham gia Liên hoan.

Liên hoan diễn ra từ 20h00’ - 21h00’ các ngày 9 và 10/5 tại quảng trường Nhà hát thành phố, với sự tham gia biểu diễn của các nghệ sĩ đến từ Đoàn Cải lương Hải Phòng, Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Cải lương Hà Nội và Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang.

Ngay đêm Liên hoan đầu tiên, khán giả sẽ được thưởng thức các làn điệu ca ngợi quê hương, đất nước như: Phú lục lớp 1, Tây thi lớp 1, Dạ cổ hoài lang, hòa tấu dàn nhạc Lưu thủy trường, bài ca vọng cổ Dòng sông quê em, trích đoạn Cung phi Điểm Bích… do các nghệ sĩ Đoàn Cải lương Hải Phòng và các Đoàn nghệ thuật tham gia Liên hoan thể hiện.

Êkíp sáng tạo thảo luận tổ chức Liên hoan.

Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ là một loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo của người dân Nam bộ, được hình thành và phát triển từ cuối thế kỷ XIX, được tạo ra từ nhạc lễ, nhã nhạc cung đình Huế và kết hợp với các làn điệu dân ca ngọt ngào, sâu lắng của các địa phương, vùng, miền khác nhau của Nam bộ. Năm 2013, nghệ thuật Đờn ca tài tử đã được tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên hiệp quốc UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, điều đó khẳng định sự trân trọng của quốc tế đối với loại hình nghệ thuật độc đáo này.

Tập thể nghệ sĩ Đoàn Cải lương Hải Phòng và Nhà hát Cải lương Việt Nam hợp luyện trước khi tham gia Liên hoan.

Sân khấu Cải lương phía Bắc đã đón nhận hơi thở từ Phương Nam và phát triển không ngừng. Trong đó, Đoàn Cải lương Hải Phòng được thành lập vào năm 1959, với bề dày 65 năm phát triển và trưởng thành, các thế hệ nghệ sĩ của Đoàn đã đưa thương hiệu Cải lương Hải Phòng ghi tên mình vào danh sách top đầu của các Nhà hát, Đoàn Cải lương khu vực phía Bắc. Những năm gần đây, Đoàn Cải lương Hải Phòng đã đạt được những thành tích đáng khích lệ, năm 2012 đạt Huy chương Bạc cho vở diễn “Biển và Bờ”, năm 2015 đạt Huy chương Bạc cho vở diễn “Đen đỏ mặt người” và năm 2022 đã đạt Giải Xuất sắc nhất Liên hoan sân khấu Cải lương chuyên nghiệp toàn quốc tại tỉnh Long An với vở diễn “Đất liền và biển cả”. Các thế hệ nghệ sĩ của Đoàn đã đạt được nhiều Huy chương Vàng, Bạc, Đồng trong các kỳ Liên hoan, Hội diễn, cuộc thi tài năng diễn viên sân khấu Cải lương toàn quốc. Trải qua 65 năm phát triển và trưởng thành các thế hệ nghệ sĩ của Đoàn Cải lương Hải Phòng đã được Nhà nước phong tặng 4 Nghệ sĩ Nhân dân, 9 Nghệ sĩ Ưu tú…

NSND Hoàng Quỳnh Mai, Tổng đạo diễn Liên hoan thông tin.

Giữ vai trò Tổng đạo diễn Liên hoan, NSND Hoàng Quỳnh Mai đánh giá rất cao Liên hoan nghệ thuật đờn ca tài tử được thành phố Hải Phòng đăng cai tổ chức trong đợt này. Bà cũng như các nghệ sĩ thuộc loại hình sân khấu cải lương rất mong muốn có những chương trình như thế này được gặp gỡ, giao lưu, được trình diễn với khán giả những làn điệu đặc trưng của bộ môn nghệ thuật sân khấu cải lương, đây là niềm tự hào cũng như “máu thịt” của các nghệ sĩ cải lương trong cả nước. Bản thân bà cũng như các nghệ sĩ thực sự rất hào hứng tham gia Liên hoan. Bà đánh giá thành phố Hải Phòng rất tuyệt vời, đã thúc đẩy, tạo sân chơi, hun đúc ngọn lửa, lòng nhiệt huyết, sự yêu nghề cháy bóng để các nghệ sĩ tiếp tục duy trì và lan tỏa loại hình nghệ thuật truyền thống được ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Hồng Nhung

TIN MỚI NHẤT
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0